Hoạt động Đảng - Đoàn thể

Phỏng vấn bà Vũ Thị Giáng Hương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN

Thưa bà, bà có thể khái quát tình hình đời sống tinh thần của NLĐ, nhất là NLĐ tại các khu công nghiệp (KCN) hiện nay? 

- Qua nắm bắt của chúng tôi, đa số CNLĐ tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phấn khởi trước những thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước. Phần lớn xuất thân từ nông thôn, CNLĐ trẻ, nhất là công nhân tại các KCN-CX, đang dần thích ứng với môi trường làm việc công nghiệp, nếp sống văn minh, đô thị, có ý chí vươn lên, học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn. 

Tuy nhiên, hiện nay, tại các KCN, đang xuất hiện nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh cũng như đời sống tinh thần của NLĐ. Trong đó, có những hệ lụy về văn hoá - xã hội đáng lo ngại cần sớm được khắc phục. Một trong số đó là một bộ phận CNLĐ thiếu hiểu biết về pháp luật, lập trường tư tưởng chưa vững vàng, tâm lý tự ti, thói quen tự do khó bỏ dẫn đến thiếu kỷ luật trong lao động, dễ bị kích động lôi kéo tham gia vào những việc làm không tốt, thậm chí sống buông thả, thực dụng và mắc vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó tình trạng sống chung, sống thử trước hôn nhân trong CNLĐ có xu hướng gia tăng…

Có thể thấy, tình trạng trên phần lớn bắt nguồn từ việc CNLĐ thiếu thốn đời sống tinh thần. Mặc dù Đảng ta đã có chủ trương, Nhà nước đã có các chính sách cụ thể để chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ, nhưng việc tổ chức triển khai còn ít hiệu quả hoặc không đồng đều. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ CNLĐ KCN có bước chuyển nhưng chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu và đặc điểm làm việc của CNLĐ. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ, môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân chưa được quan tâm đầy đủ… 

Tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động

Ký kết và triển khai Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, luyện tập thể thao trong công chức, viên chức, công nhân lao động giai đoạn 2021 - 2026. Ảnh: Nguyễn Hải

Tổ chức CĐ đã có những hoạt động gì để chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ? Bà có thể đưa 1 vài mô hình mà CĐ các cấp đã, đang làm?

- Ngay sau khi Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09.1.2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ KCN, KCX được ban hành, Tổng LĐLĐVN đã có Kế hoạch số 17/KH-TLĐ triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Cùng với đó, phối hợp với các Bộ: LĐTBXH, VHTTDL, GDĐT, KHĐT, Tư pháp ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong CNLĐ.   

Trong hệ thống, Tổng LĐLĐVN cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cấp CĐ tổ chức hoạt động cụ thể nhằm xây dựng đời sống văn hóa công nhân nhất là CNLĐ tại KCN-CX. Trong đó, chú trọng đổi mới phương thức tổ chức và nội dung hoạt động để NLĐ được trực tiếp tham gia và thụ hưởng, quan tâm đào tạo các kỹ năng tổ chức hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần công nhân cho cán bộ CĐCS.

Các cấp CĐ thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng đã từng bước trang bị kiến thức cơ bản liên quan đến pháp luật, đời sống văn hóa cho CNLĐ. Nét đặc thù trong chăm lo tới đời sống văn hóa công nhân KCN trong những năm qua là tổ chức lồng ghép phong phú các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhiều hoạt động của các cấp CĐ nhằm mục đích vừa chăm lo lợi ích vật chất vừa chăm lo lợi ích tinh thần cho đoàn viên, NLĐ. 

Một trong những điểm sáng là chương trình “Giờ thứ 9+”. Sau nhiều năm vắng bóng, năm 2022, chương trình “Giờ thứ 9+” - sân chơi truyền hình mang đậm màu sắc công nhân đã trở lại, thu hút đông đảo CNLĐ tham gia, các doanh nghiệp ủng hộ. 15 số của chương trình đã khắc họa bức tranh sinh động của đời sống công nhân trong lao động, sản xuất, sau giờ tan ca với tình yêu nghề và sẻ chia cùng đồng nghiệp. Chương trình sẽ tiếp tục được Tổng LĐLĐVN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trong năm 2023. Từ những mô hình hoạt động này, CNLĐ đã trở thành trung tâm, chủ thể người sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. 

Từ thực tế hiện nay, CĐ có kiến nghị, đề xuất gì nhằm đẩy mạnh chăm lo đời sống tinh thần cho NLĐ?

- Chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ cần có sự chung tay, đồng tâm của cả hệ thống chính trị. Do vậy, tổ chức CĐ và NLĐ mong muốn Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy các cấp, các ngành cùng vào cuộc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ.

Đối với các cấp chính quyền, bộ, ngành đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ và triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, quan tâm tới việc xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng đời sống văn hoá CNLĐ ở các KCN.

Cùng với đó, tiếp tục bổ sung các chính sách cải thiện đời sống, việc làm đảm bảo điều kiện lao động, thu nhập để CNLĐ yên tâm làm việc, có thời gian tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao. Tiếp tục phối hợp với Tổng LĐLĐVN triển khai có hiệu quả Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX”.

THU TRÀ